Hệ thống tưới tiết kiệm - cứu cánh nông dân trong mùa hạn
BP - Mùa khô năm 2017 đang bước vào cao điểm. Trong chuyến công tác nắm bắt tình hình sản xuất của người dân ngày 14-3, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi đã khuyến khích nông dân trồng tiêu, điều xen ca cao đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt để ứng phó với biến đổi khí hậu và hướng đến một nền nông nghiệp với những sản phẩm “sạch”. Bên cạnh đó, từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trong tỉnh, các thành viên HTX trồng tiêu, điều xen ca cao sẽ được hỗ trợ một phần kinh phí lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt.
TƯỚI NHỎ GIỌT TIẾT KIỆM 30% LƯỢNG NƯỚC
Anh Bùi Quốc Hai, Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX tiêu bền vững Hưng Phước (xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp) có 6 ha đất trồng tiêu, điều và cao su. Toàn bộ 3 ha tiêu của gia đình được đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt. Qua tìm hiểu một số mô hình tại nhiều nơi, anh Hai đã tự thiết kế hệ thống tưới nhỏ giọt cho vườn tiêu 1 ha của gia đình với chi phí khoảng 40 triệu đồng. Từ hệ thống này, anh giảm được 90% nhân công tưới tiêu và 30% lượng nước sử dụng so với khi còn dùng ống kéo bằng tay. “Hệ thống tôi lắp đặt có thể chỉnh lượng nước mạnh, yếu theo nhu cầu. Tôi còn lắp thêm hệ thống béc trên cao với nước phun ra có bán kính trên 10m để chống sương muối, chi phí khoảng 50 triệu đồng/ha” - anh Hai cho biết.
Vườn tiêu sạch và hệ thống tưới nước tiết kiệm của Ban quản lý rừng phòng hộ Lộc Ninh - Ảnh: Sỹ Hòa
Thăm hộ thành viên Lê Quang Cường, chúng tôi được biết, nhờ hệ thống tưới nhỏ giọt mà vườn tiêu của gia đình năm nay “bội thu”. Trung bình 1 nọc anh thu 6kg tiêu khô, 1 ha năng suất đạt 7 tấn (1.500 nọc/ha). Từ hiệu quả mô hình của gia đình anh Hai, đến nay trong tổng số 80 thành viên HTX tiêu bền vững Hưng Phước với diện tích 150 ha, có đến 95% số hộ sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm và 8 hộ lắp đặt thêm hệ thống chống sương muối.
Sau lần lắp đặt hệ thống tưới tự động dùng béc trên cao cho vườn tiêu không đem lại hiệu quả như mong muốn do không chủ động được nguồn nước tưới, hiện anh Nguyễn Đức Thảo, Giám đốc kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX tiêu bền vững Lộc Phát (xã Lộc Hiệp, huyện Lộc Ninh) đang sử dụng hệ thống ống chôn lấp và anh khẳng định đạt hiệu quả. Theo anh, tưới theo hình thức này giảm được lượng nước tưới và chủ động kiểm soát phân bón cho cây tiêu. Kinh phí lắp đặt 1 ha tiêu 46 triệu đồng. Anh Thảo cho biết, hầu hết các thành viên HTX đã lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt như của gia đình anh.
Hộ anh Phan Quang Thinh, thành viên HTX nông - lâm - dịch vụ Phú Văn (xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập), được đầu tư điểm hệ thống tưới nhỏ giọt cho vườn điều xen ca cao từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển các HTX nông nghiệp tỉnh. Mô hình của anh sử dụng ống nhựa mềm trên mặt đất. Theo đánh giá của các thành viên HTX thì ưu điểm khi sử dụng ống nhựa mềm là dễ thu dọn vào mùa mưa và nếu ống có bị bể cũng dễ khắc phục. Hơn nữa, kinh phí đầu tư 12 triệu đồng/ha là “vừa túi tiền” của người trồng điều vì 1 ha điều xen ca cao cho thu nhập khoảng 120-150 triệu đồng/năm.
HỖ TRỢ ĐỂ HTX PHÁT TRIỂN
Từ nhu cầu thực tế của nông dân trồng tiêu, điều xen ca cao và định hướng phát triển chuỗi các mặt hàng chủ lực của tỉnh thì dự án hỗ trợ đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm cho các HTX nông nghiệp là rất cần thiết và hoàn toàn phù hợp. Tất cả thành viên HTX đều được hưởng lợi từ dự án. Tuy nhiên xét theo đối tượng hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và hộ người Kinh sẽ nhận mức hỗ trợ khác nhau. Hiện các sở, ngành tham mưu phương án hỗ trợ 20 triệu đồng/ha tiêu đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số, hộ khó khăn và 10 triệu đồng/ha đối với hộ người Kinh. Còn phương án hỗ trợ thành viên HTX trồng điều xen ca cao là 100% đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số, 70% đối với hộ nghèo và 50% đối với hộ người Kinh.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi thăm mô hình tưới tiết kiệm trên vườn tiêu của hộ anh Lê Quang Cường
Hiện HTX tiêu bền vững Hưng Phước còn 5% số hộ thành viên chưa đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt do thiếu kinh phí, trong khi HTX có 10 hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Dự án hỗ trợ lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm trực tiếp giải quyết khó khăn cho những hộ trồng tiêu trong HTX, là động lực để các hộ đã đầu tư tiếp tục có vốn chăm sóc vườn cây tốt hơn. Đặc biệt, theo chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi: “Dự án phải thật sự tiết kiệm lượng nước tưới, giảm nhân công và quan trọng là kiểm soát được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật để sản phẩm làm ra “sạch”, có tính cạnh tranh thị trường cao”.
KHÔNG ĐỂ NÔNG DÂN ĐỨNG LẺ LOI MỘT MÌNH Phát biểu với lãnh đạo các huyện Bù Đốp, Lộc Ninh, Bù Gia Mập trong chuyến thị sát tình hình sản xuất, hoạt động của các thành viên hợp tác xã (HTX) nông nghiệp giữa tháng 3 vừa qua, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi khẳng định đã đến lúc không được để nông dân đứng lẻ loi một mình trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi đã yêu cầu lãnh đạo các cấp huyện, xã phải làm thế nào để giúp nông dân thích ứng với biến đổi khí hậu, làm ra sản phẩm sạch để nâng cao giá trị nhằm tăng tính cạnh tranh trên thị trường. “Các mô hình HTX ra đời trong bối cảnh hiện nay chỉ được phép thành công, không được phép thất bại” - Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi nhấn mạnh. Bình Phước hiện có hơn 14.000 ha hồ tiêu đang trong thời kỳ khai thác nhưng chưa có HTX nào trực tiếp xuất khẩu sản phẩm ra thị trường nước ngoài. Mỗi khi mùa khô đến, diện tích hồ tiêu luôn đối diện với thực trạng thiếu nước tưới. Hồ tiêu bị chết nhanh, chết chậm ngày càng khốc liệt do gặp phải hiện tượng thời tiết cực đoan. Trái đất nóng lên dẫn tới nhiều hệ lụy và đang ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng người trồng tiêu Bình Phước lâu nay vẫn mãi loay hoay với bài toán thiếu nước tưới, sâu bệnh và đầu ra cho sản phẩm. Để giúp người trồng tiêu nói riêng và các loại cây trồng chủ lực của tỉnh nói chung, Bình Phước đang triển khai dự án hỗ trợ hệ thống tưới tiết kiệm cho các thành viên HTX nông nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh. Tùy theo diện tích, đối tượng mà mỗi thành viên của HTX được hỗ trợ ở những mức độ khác nhau. Mục tiêu của dự án là giúp người dân thích ứng với biến đổi khí hậu. Mỗi mô hình tưới nước tiết kiệm không chỉ có giá trị sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước, mà còn giúp người dân nâng cao nhận thức trong bảo vệ tài nguyên nước, đất và không khí; đồng thời còn giúp người dân thích ứng với biến đổi khí hậu và nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản. Do vậy, việc đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm hay còn gọi là hệ thống tưới nhỏ giọt trong nông nghiệp không chỉ là mệnh lệnh từ chủ trương đúng đắn của người lãnh đạo, mà còn là mệnh lệnh từ những trái tim biết chia sẻ khó khăn với người nông dân, biết trân quý và trách nhiệm trước nhân dân. Đông Kiểm |
Hiện nay, hầu hết HTX trồng tiêu trên địa bàn tỉnh đều ký hợp đồng tiêu thụ với Công ty TNHH chế biến gia vị Nedspice (Hà Lan). Các quy trình từ chăm sóc đến thu hoạch đều được phía công ty hướng dẫn đồng nhất trong các hộ thành viên. Điển hình như HTX tiêu bền vững Hưng Phước mỗi năm sản xuất trên 400 tấn tiêu sạch bán ra thị trường. Với mức mua chênh lệch của công ty so với thị trường là 4.500 đồng/kg, doanh thu từ chênh lệch giá của HTX là 1,6 tỷ đồng trong niên vụ 2016.
Thăm HTX nông - lâm - dịch vụ Phú Văn, từ thành công thí điểm lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt cho vườn điều xen ca cao của hộ thành viên Phan Quang Thinh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi yêu cầu nhân rộng mô hình ra tất cả thành viên HTX có trồng xen ca cao và lấy HTX làm điểm. Đối với 39 hộ/71 hộ thành viên HTX chưa trồng ca cao xen điều, HTX và chính quyền các cấp phải vận động, sở, ngành rà soát các chính sách hỗ trợ giống ca cao cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số, khó khăn.
Việc đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm cho nông dân là hướng đi đúng, đem lại hiệu quả thiết thực trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt. Đây cũng là một trong những giải pháp đưa ngành nông nghiệp của tỉnh phát triển bền vững theo hướng hiện đại và “sạch” hơn.
Hồng Cúc
Nguồn Báo Bình Phước