Bình Thuận phát triển cây điều theo hướng bền vững

05/09/2017 8:15:34 SA

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, cây điều được địa phương này chọn là một trong những loại cây trồng chủ lực của tỉnh từ nay đến năm 2020. Theo đó, để nâng cao năng suất, chất lượng, bảo đảm yêu cầu xuất khẩu hạt điều, Bình Thuận chủ trương sẽ trồng tái canh và cải tạo giống 12.500 ha điều.

Ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có hơn 17.000 ha điều, tập trung chủ yếu tại các huyện: Đức Linh, Tánh Linh, Hàm Tân và Hàm Thuận Bắc. Trong đó, có 15.365 ha đang trong thời kỳ thu hoạch với năng suất bình quân đạt 6,5 đến 7 tạ /ha; sản lượng bình quân đạt 10.000 tấn/năm.Tuy nhiên, năng suất, sản lượng còn tương đối thấp. Nguyên nhân do phần lớn diện tích điều trước đây được trồng bằng hạt và không qua tuyển chọn; đồng thời vấn đề đầu tư thâm canh đúng quy trình của một số người trồng điều chưa được chú trọng, dẫn đến năng suất và sản lượng cây điều giảm.

Bình Thuận xác định cây điều là một trong những cây trồng chủ lực đến năm 2020. (Ảnh: NS)

Để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu sản phẩm này, tỉnh Bình Thuận chủ trương sẽ trồng tái canh và cải tạo giống 12.500 ha điều, qua đó nâng cao năng suất, chất lượng, bảo đảm yêu cầu xuất khẩu hạt điều. Tỉnh cũng triển khai hỗ trợ từ 50% - 80% giá cây giống cho đồng bào, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào ở các xã miền núi khó khăn; hỗ trợ giống, vật tư, phân bón và kinh phí chuyển giao ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất…

Để phát triển cây điều theo hướng bền vững, Bình Thuận đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu, chọn tạo các giống điều mới năng suất, chất lượng cung cấp cho người trồng điều; hỗ trợ các cơ sở chế biến thay đổi công nghệ để nâng cao chất lượng hạt điều…

Nhằm phát triển sản xuất điều mang tính bền vững, phương hướng và mục tiêu  đến năm 2020 toàn tỉnh ổn định 17.000 ha điều. Bình Thuận cũng tập trung phát triển cây điều theo hướng thâm canh gắn với thị trường để đưa năng suất điều đạt bình quân từ 12 đến 15 tạ/ha, sản lượng đạt 20.400 tấn đến 25.500 tấn/năm.

Theo ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, ngành nông nghiệp đã đưa ra nhiều giải pháp như: huy động nguồn lực, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân để thấy rõ hiệu quả, lợi ích của việc tái canh, cải tạo phát triển vườn điều để nâng cao năng suất, chất lượng, từ đó đầu tư để thực hiện thâm canh, tái canh và cải tạo vườn điều.

Tăng cường công tác quản lý chất lượng giống điều, chỉ đạo thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh giống điều phù hợp với quy định của pháp luật. Ngành Nông nghiệp cũng đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận cơ chế hỗ trợ để đẩy mạnh thâm canh, trồng thay thế và ghép cải tạo vườn điều, từ đó xây dựng kế hoạch, lộ trình, biện pháp thực hiện cho hàng năm. Rà soát diện tích tiếp tục thâm canh, diện tích trồng thay thế để từ đó xây dựng kế hoạch, phương án trồng thay thế, ghép cải tạo và thâm canh vườn điều.

Đồng thời, chuyển giao các giống điều mới có năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu để chuyển giao cho người dân. Hướng dẫn cho người dân “Quy trình kỹ thuật quản lý bọ xít muỗi và thán thư hại điều” nhằm hạn chế thiệt hại và tổ chức các lớp tập huấn về thâm canh, cải tạo vườn điều để nâng cao năng suất, chất lượng. Ngoài ra còn có giải pháp về tổ chức sản xuất, xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ giữa nhóm nông hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã trồng điều với doanh nghiệp thu mua chế biến xuất khẩu, hỗ trợ cho mối liên kết giữa hai bên để tạo ra vùng nguyên liệu hạt điều chất lượng tốt, tăng thu nhập cho người trồng điều…/.

N.S.

Nguồn: Báo điện tử Đảng CSVN

Bài viết liên quan

Chat Facebook - Vietmoldmachine.com