Đột phá ngành điều
Ngành điều Việt Nam bắt đầu chế biến sâu để tăng giá trị hạt điều lên nhiều lần, thay vì chỉ xuất khẩu điều thô hay sơ chế điều nhân. Giới chuyên kinh doanh điều trên thế giới mấy năm qua đã truyền khẩu: "Nói đến hạt điều - nghĩ đến Việt Nam".
Liên tiếp 10 năm qua, Việt Nam luôn đứng đầu trong các nước xuất khẩu hạt điều, chiếm tới 50% tổng sản lượng điều nhân toàn cầu. 10 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu điều nhân tiếp tục tăng mạnh, đạt 291.000 tấn, thu về 2,33 tỷ USD.
Dự báo cả năm 2016, Việt Nam chế biến khoảng 1,4 tấn hạt điều, xuất khẩu trên 300.000 tấn, doanh thu có thể cán mức 3 tỷ USD, trong đó nhân điều sơ chế khoảng 2,8 tỷ USD, điều chế biến sâu và dầu vỏ điều 2 tỷ USD, đứng sau kim ngạch xuất khẩu cà phê, trước kim ngạch xuất khẩu gạo.
"Nói đến hạt điều - nghĩ đến Việt Nam"
6 vùng trồng điều chủ yếu của Việt Nam có thổ nhưỡng và khí hậu rất thích hợp với cây điều, 300.000 hộ trồng điều trên 310.000ha lại coi cây điều như loại cây hoang dã, hầu như không bón phân hóa học và phun xịt thuốc tăng trưởng cũng như thuốc bảo vệ thực vật nên cho hạt sạch, có độ béo, bùi cao.
Ngoài giống điều có từ lâu đời, hiện có 3 giống điều mới cho năng suất cao (nếu chăm sóc đúng cách có thể đạt 2.500 - 4.000kg/ha) được nông dân trồng phổ biến, chất lượng hạt và màu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Đó là các giống PN1,...
Doanh nghiệp (DN) ngành điều các nước rất ngạc nhiên khi biết Việt Nam đã chế tạo gần như toàn bộ máy móc, thiết bị chế biến hạt điều với công nghệ chế biến liên tục, tự động hóa ngày càng cao, như máy cắt, tách vỏ, bóc vỏ lụa, phân cỡ hạt, băng tải lựa hạt, máy đo độ ẩm hạt nguyên liệu và sơ chế, máy đóng gói..., chỉ còn nhập một ít máy tách màu (máy nhận diện màu để loại hạt có màu không đồng đều).
Máy móc, thiết bị chế biến điều của Việt Nam không những đủ dùng cho trên 1.000 nhà máy, cơ sở chế biến hạt điều (tất cả là DN tư nhân) mà còn xuất khẩu sang nhiều nước, nhất là xuất qua châu Phi.
Nhờ thế mà hạt điều Việt Nam luôn có chất lượng và mẫu mã theo yêu cầu của những thị trường khó tính nhất như Mỹ, Pháp, Đức, Nhật... Hiện nay đã có đến 80 nước nhập khẩu hạt điều sơ chế của Việt Nam, nhiều nhất là Mỹ với 30%, một số nước châu Âu 25%, Trung Quốc 18% thị phần.
Theo như cách nói của các DN điều, ngành điều Việt Nam đã bước sang giai đoạn hai, từ xuất khẩu điều thô sang sơ chế điều nhân và bắt đầu chế biến sâu để tăng giá trị hạt điều lên nhiều lần.
Nhìn vào sản lượng hạt điều của nhiều nước trong khi cầu luôn vượt cung do người tiêu dùng ngày càng thấy giá trị dinh dưỡng cao và có lợi cho sức khỏe của hạt điều, Cục Xúc tiến thương mại và Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) dự báo trong những năm tới, giá điều nhân trên thế giới khó mà xuống dưới mức giá hiện nay, tức trên dưới 10 USD/kg, là mức giá trước đây chưa bao giờ đạt đến. Vì thế việc mở rộng diện tích, tăng sản lượng, tăng chất lượng nhân điều và chế biến sâu trở nên cấp bách.
Hội nghị Điều quốc tế Việt Nam hằng năm lần thứ 8 vừa được Vinacas và Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương tổ chức tại TP. Đà Nẵng, thu hút 300 đại biểu của các nghiệp đoàn điều, như Liên hiệp hội Điều Châu Phi, Hội đồng Bông và Hạt điều Bờ Biển Ngà, Hiệp hội Điều Nigeria DN xuất nhập khẩu điều lớn nhất trên thế giới đến từ Mỹ, Pháp, Úc, Singapore, Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam... và một số nước châu Phi. Điều này đã chứng tỏ được sức hút của ngành điều Việt Nam. |
"Nói đến điều sạch - nghĩ tới Việt Nam"
Là một trong những cây công nghiệp dài ngày có giá trị cao nhất nhưng Việt Nam chưa có những trang trại điều, chủ yếu trồng phân tán trong dân, cao lắm chỉ vài ba ha/hộ. Do giá điều những năm trước thấp, nông dân chặt bỏ hầu hết những vườn điều lớn để trồng cao su, cà phê, nên vài năm trở lại đây, khi giá có thời điểm lên đến 50.000đ/kg thì "trở tay không kịp".
Hiện nay đất để trồng điều theo quy mô trang trại gần như không còn. Khi diện tích khó mở rộng thì việc trồng điều tập trung để có điều kiện thâm canh, nâng cao năng suất, sản xuất sạch là giải pháp tốt nhất. Tuy vậy, một số tỉnh như Ninh Thuận, Bình Thuận vùng Trung bộ có thể mở rộng diện tích các giống điều nói trên thay cho tràm bông vàng vì đem lại lợi ích cao hơn, 3 năm đã cho thu hoạch.
Muốn vậy, DN điều phải có chiến lược đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, kể cả hợp tác với nước ngoài, tiến đến sản xuất được 500.000 tấn hạt điều, chế biến 70% trong số đó.
Hiện nay DN Việt Nam đang thiếu trầm trọng hạt điều nguyên liệu nên phải nhập khẩu ngày càng nhiều từ Ấn Độ, các nước châu Phi, như năm nay có thể nhập đến gần 1 triệu tấn. Mặc dù hợp đồng mua bán ngày càng chặt chẽ nhưng điều nhập khẩu từ châu Phi về không ổn định, thường bị ẩm, mốc, mọc mầm. Với chất lượng hạt điều như thế thì nếu không cẩn thận, điều nhân xuất khẩu của Việt Nam sẽ mất uy tín với khách hàng nước ngoài.
Để nhập khẩu hạt điều đúng chất lượng, Vinacas đã kiến nghị có đại diện DN túc trực ở các cảng xuất khẩu điều ở châu Phi để kiểm tra hàng trước khi bốc xuống tàu. Đáng mừng là trong phát biểu tại Hội nghị Điều quốc tế Việt Nam 2016, Phó chủ tịch Liên hiệp hội Điều Châu Phi Babatola Faseru đã hứa sẽ chặt chẽ hơn trong khâu kiểm tra điều nhân tại các cảng, nếu không đạt chất lượng thì buộc DN xuất khẩu nhận lại hàng.
Vinacas cũng khuyến cáo DN hội viên không tiếp tục làm ăn với những DN châu Phi không giữ chữ tín, chẳng hạn không thực hiện đầy đủ hợp đồng, không giao hàng hoặc giao hàng nhưng đòi trợ giá, hàng đã về đến cảng nhưng lại sửa bill tàu giao hàng cho đơn vị khác giá cao hơn...
Việc chế biến sâu để nâng cao giá trị hạt điều theo xu hướng đa sản phẩm như điều rang muối, điều tẩm mật ong, bơ điều, kẹo, bánh, rượu từ hạt điều, dầu từ vỏ hạt điều đòi hỏi DN phải có công nghệ mới và phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Để đảm bảo chế biến sạch, Vinacas đã thành lập CLB Các DN sản xuất, kinh doanh hạt điều sạch hàng đầu Việt Nam (G20-VCS+ +) với cam kết "3 có”: có màu sắc tự nhiên, có mùi vị đặc trưng, có giá trị dinh dưỡng cao; "5 không": không sử dụng hương liệu trong chế biến, không có sản phẩm biến đổi gene, không nấm mốc, không nhiễm khuẩn, sâu mọt, không sử dụng lao động cưỡng bức.
Làm được như vậy không những tạo đột phá hơn nữa cho ngành điều mà khẩu ngữ: "Nói đến điều sạch - nghĩ tới Việt Nam" sẽ lan truyền trên thế giới.
An Phương
Nguồn: Doanh nhân Sài Gòn