Nông sản xuất khẩu - Đổi lượng sang chất
Là nước xuất khẩu nhiều loại nông sản hàng đầu như hồ tiêu, cà phê, nhân điều, gạo… nhưng 90% nông sản xuất khẩu của Việt Nam là xuất thô, kém chất lượng và không đồng nhất nên giá trị giảm sút đáng kể. Ngoài ra, khi thành phẩm đến tay người tiêu dùng đều mang tên nhãn hiệu nước ngoài, nên chỉ hưởng phần thấp nhất trong chuỗi sản phẩm.
Nâng chất nông sản
Hơn 20 năm trước, Việt Nam đã ngưng xuất khẩu điều thô để ngày hôm nay trở thành quốc gia chế biến và xuất khẩu nhân điều dẫn đầu thế giới. Nhưng nhân điều mới ở dạng sơ chế, phải bán qua khâu trung gian để chế biến mới dùng được.
Hiện nay, ngành điều đang một lần nữa “cải tổ” khi chuyển qua giai đoạn chế biến sâu nhằm nâng cao giá trị gia tăng, để có thể cung cấp trực tiếp vào các siêu thị ở Mỹ (Walmart, Costco, Tesco…) hay Đức như cách mà Công ty LS, Công ty NH và một số công ty khác đang làm.
Khoảng 20 doanh nghiệp lớn đầu tư chế biến sâu với các sản phẩm ăn liền như điều rang muối, điều chiên bơ, điều gia vị, điều hỗn hợp, bánh kẹo điều… với công suất 15.400 tấn sản phẩm/năm, còn lại là các cơ sở nhỏ lẻ, cung ứng cho thị trường nội địa khoảng 20.000 tấn/năm. Còn có 26 cơ sở chế biến dầu vỏ hạt, công suất 80.000 tấn sản phẩm/năm và 5 cơ sở tinh luyện dầu vỏ hạt điều, công suất 6.000 tấn/năm. Dù còn khiêm tốn so với việc xuất khẩu hàng trăm ngàn tấn điều nhân, nhưng đó là bước chuyển tích cực và đúng hướng.
Theo Tổ chức Cà phê thế giới (ICO), Việt Nam đứng thứ 2 về sản lượng xuất khẩu cà phê sau Brazil, song về giá trị ở vị trí thứ 3 sau Colombia. Dù không có hạt cà phê nào nhưng nhờ khâu chế biến sâu từ cà phê nhân nhập khẩu và tái xuất nên Đức và Thụy Sĩ ở vị trí thứ 4 và 5 về giá trị xuất khẩu.
Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho biết, ngành cà phê hướng đến việc nâng cao giá trị. Thay vì xuất khẩu hạt cà phê thô, đang từng bước nâng dần tỷ lệ cà phê nhân chế biến, ước đạt 30% (so với 10% hiện nay), cà phê hòa tan và rang xay đạt 25% sản lượng (so với hơn 11% hiện nay), đạt kim ngạch xuất khẩu 3,8 tỷ USD - 4,2 tỷ USD đến năm 2020.
Theo ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Vicofa, lượng cà phê chế biến xuất khẩu chỉ khoảng 4% tổng lượng cà phê xuất khẩu (hơn 1,7 triệu tấn) nhưng về giá trị chiếm tới 10%. Năm nay, giá trị xuất khẩu cà phê chế biến có thể đạt 325 - 350 triệu USD. Lượng cà phê chế biến sẽ tăng mạnh những năm tới khi doanh nghiệp trong và ngoài nước tiếp tục đầu tư theo hướng này. Như Nestlé Việt Nam đầu tư gần 300 triệu USD, Olam, Trung Nguyên, Vinacafe Biên Hòa, Mê Trang… cũng đang xây dựng hoặc mở rộng quy mô sản xuất. Tập đoàn Tín Nghĩa và một số doanh nghiệp trong nước khác triển khai dự án chế biến cà phê hòa tan nhằm đón đầu các hiệp định thương mại tự do với EU, Liên minh kinh tế Á - Âu, Hàn Quốc… khi mức thuế chỉ còn 0% - 5% thay vì 15%. Nhưng khả thi nhất hiện nay là Trung Quốc, thị trường quan trọng về cà phê chế biến của Việt Nam. Trung Nguyên, Vinacafe Biên Hòa đã và đang xuất khẩu mạnh sang thị trường này các loại cà phê hòa tan 2.1 và 3.1. Đây là thị trường vừa tầm, thay vì chen chân vào thị trường cà phê chế biến ở các nước phát triển, vốn đã có các tập đoàn lớn chiếm lĩnh thị phần.
Ngay với mặt hàng gạo, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho rằng, cần thay đổi tư duy qua việc định dạng lại sản lượng gạo hàng hóa theo hướng sản lượng tối ưu. Xuất khẩu 3 - 4 triệu tấn/năm với giá tốt, tương đương với việc xuất 6 - 7 triệu tấn giá thấp. Chỉ cần làm 2vụ/năm thay vì 3 vụ/năm.
Đột phá sản phẩm hữu cơ
Có dịp đi nhiều và nắm bắt xu thế tiêu dùng, Việt kiều Úc - TS Nguyễn Quốc Vọng (Đại học RMIT) từng khuyến cáo: “Nếu có điều kiện nên đi thẳng vào việc sản xuất nông sản hữu cơ để nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản. Đây là phân khúc thị trường cao cấp của những người có thu nhập khá trở lên, tuy khó tính nhưng sẵn sàng mua giá cao vì vấn đề an toàn thực phẩm và sức khỏe”.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Vinamit, nhận định, thị trường nông sản thông thường ở các nước phát triển, hầu như đã hết chỗ cho những quốc gia đi sau như Việt Nam, khi các tập đoàn hùng mạnh đã chiếm lĩnh hết thị phần, sản phẩm nông nghiệp chế biến sâu của Việt Nam khó có thể xâm nhập. Nếu có thì sản phẩm đó cũng phải chấp nhận mang thương hiệu nước ngoài nên giá trị mang lại không thể cao được.
Tham gia các hội chợ nước ngoài, nhất là tại Mỹ, các nhà bán lẻ luôn dè dặt với sản phẩm từ Việt Nam do bị đánh đồng chất lượng nông sản Việt Nam với Trung Quốc, chưa đảm bảo về an toàn thực phẩm. Vì vậy, nếu bán các sản phẩm chế biến ăn liền vào thị trường này phải đi vòng qua lãnh thổ Đài Loan với nhãn hiệu khác mới có hy vọng.
Các nhà kinh doanh lý giải, do người tiêu dùng chưa an tâm về chất lượng, phải mua bảo hiểm với giá rất cao nên khó có thể cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của các nước. Qua tìm hiểu, ông Viên phát hiện, nếu là sản phẩm hữu cơ được chứng nhận sẽ có nhiều khả năng khi thị phần còn nhiều dư địa để xâm nhập.
Đầu tháng 12 vừa qua, Vinamit nhận được giấy chứng nhận canh tác hữu cơ, chế biến hữu cơ và nông sản hữu cơ theo tiêu chuẩn của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA Organic) và Liên minh châu Âu (Ecocert - EU). Các chứng chỉ này chứng nhận đạt tiêu chuẩn organic cho các dây chuyền sản xuất, chế biến và đóng gói tại nhà máy cùng với nguồn nguyên liệu trái cây cung ứng từ các nông trang của công ty tại Bình Dương. Vinamit đạt 73 hạng mục của Organic EU và 81 hạng mục của Organic USDA. Vinamit được cấp mã số Organic quốc tế cấp độ toàn phần, sau khi hoàn tất toàn bộ 545 chỉ tiêu đánh giá dưới sự giám sát trực tiếp tại chỗ từ chuyên gia Control Union, với hơn 100 mẫu sản phẩm được gửi kiểm định và đánh giá độc lập ở Hà Lan.
Theo ông Nguyễn Lâm Viên, chứng nhận hữu cơ hệ thống Vinamit giúp mở rộng cửa đưa nông sản Việt đàng hoàng bước vào thị trường Bắc Mỹ, Nhật Bản và EU, nơi có yêu cầu cao hơn, nghiêm ngặt hơn về các giá trị dinh dưỡng và môi trường. Ông Richard De Boer, Giám đốc điều hành Control Union, cho biết người tiêu dùng ngày càng ý thức hơn trong việc chọn lựa thực phẩm. Năm 2015, mức tiêu thụ các mặt hàng nông sản hữu cơ lên đến 80 tỷ USD và còn tiếp tục tăng trưởng thời gian tới.
Công Phiên
Nguồn: Báo Sài Gòn Giải Phóng