Tỉnh Bình Phước thực hiện đề án phát triển ngành điều bền vững

18/05/2017 4:32:52 CH

Công nhân phân loại hạt điều ở Nhà máy chế biến hạt điều xuất khẩu Phúc An (thị xã Phước Long, Bình Phước)

Sáng 16/5, tại thị xã Đồng Xoài, UBND tỉnh Bình Phước đã phối hợp Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) tổ chức Hội nghị khách hàng quốc tế ngành điều – Bình Phước năm 2017.

Hội nghị năm nay có chủ đề “Ngành Điều Bình Phước phát triển vì cộng đồng và xã hội”, có sự tham dự đông đảo của các lãnh đạo bộ, ngành trung ương; lãnh đạo Sở Công thương các tỉnh, thành bạn; các doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước…

Theo báo cáo của UBND tỉnh Bình Phước, hiện nay, diện tích cây điều của Bình Phước đạt hơn 134.000ha, chiếm gần 50% diện tích điều cả nước; trong đó có 132.000ha đang cho thu hoạch, sản lượng đạt khoảng 150.000 tấn/năm. Bình Phước đã được Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy hoạch là vùng nguyên liệu điều chính của cả nước với diện tích 200.000ha điều vào năm 2020. Hạt điều Bình Phước đã được chọn để xây dựng thương hiệu quốc gia.

Trong năm 2016, kim ngạch xuất khẩu nhân điều của Bình Phước đạt 500 triệu USD, chiếm gần 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh. Bình Phước hiện có hơn 200 doanh nghiệp và hơn 400 cơ sở chế biến điều; trong đó có 31 doanh nghiệp lớn với tổng công suất khoảng 82.000 tấn/năm, giải quyết việc làm cho khoảng 50.000 lao động. Công nghiệp chế biến điều đã góp phần cải thiện, nâng cao đời sống của nhân dân; nhất là nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số.

Tuy nhiên, ngành điều Bình Phước vẫn còn nhiều hạn chế. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Phước Trần Văn Lộc cho biết: Các tiến bộ kỹ thuật mới chưa được ứng dụng đại trà vào quy trình canh tác cây điều; các biện pháp kỹ thuật thâm canh đồng bộ để tăng hiệu quả sản xuất điều cũng chưa được nhiều nông dân quan tâm. Vì vậy, diện tích điều được thâm canh, chăm sóc theo đúng quy trình mới chỉ chiếm khoảng 2% tổng diện tích điều đang thu hoạch…

Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bình Phước Nguyễn Anh Hoàng nhận xét: Sản phẩm chế biến từ hạt điều của Bình Phước chưa đa dạng và tỷ lệ sản phẩm là nhân hạt điều thô còn chiếm tỷ trọng cao nên giá trị gia tăng không cao. Phần lớn doanh nghiệp có quy mô nhỏ, dây chuyền sản xuất chưa đồng bộ, làm hạn chế khả năng cạnh tranh của hạt điều Bình Phước…

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Nguyễn Văn Trăm cho biết, Hội nghị là dịp để các cơ sở, trang trại trồng điều; doanh nghiệp sản xuất, chế biến, xuất khẩu hạt điều trong tỉnh nắm bắt cơ hội và nhận diện rõ ràng những thách thức của thị trường tiêu thụ để kịp thời điều chỉnh phương án sản xuất, kinh doanh nhằm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng khi mở rộng thị trường. Hội nghị cũng sẽ là cầu nối để các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các đối tác trực tiếp gặp gỡ, thương thảo, tiến tới ký kết hợp đồng, hợp tác làm ăn trong thời gian tới.

Tỉnh Bình Phước mong muốn được các doanh nghiệp chia sẻ, giúp doanh nghiệp xuất khẩu Bình Phước tiếp cận và nâng cao năng lực quản lý về chất lượng, sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn, thị hiếu của thị trường và chia sẻ các kiến thức cần thiết, liên quan khác. Đồng thời, hỗ trợ ngành điều Bình Phước khai thác được lợi thế về quy mô, năng suất và chất lượng sản phẩm nhằm giúp doanh nghiệp và người dân trồng điều thực sự được hưởng lợi xứng đáng trong chuỗi giá trị ngành điều.

Về hướng phát triển ngành điều, cùng với chính sách của Chính phủ về phát triển ngành điều, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Nguyễn Văn Trăm thông tin, UBND tỉnh Bình Phước cũng đã ban hành Đề án phát triển điều bền vững đến năm 2020. “Bình Phước đang bắt đầu xây dựng những vùng điều canh tác theo hướng hữu cơ, không sử dụng hóa chất, phân bón hóa học và từng bước thực hiện quy trình truy xuất nguồn gốc hạt điều nhằm mục đích gia tăng giá trị mặt hàng này để đáp ứng được nhu cầu của các thị trường khó tính như: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản…” - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Nguyễn Văn Trăm khẳng định. 

Hoàng Liêm
Nguồn: Trang tin Đảng bộ Tp. HCM

Bài viết liên quan

Chat Facebook - Vietmoldmachine.com